Nguyên nhân cuộc cách mạng Cách mạng Tháng Bảy

Sau Đệ nhất đế chế, dòng họ Bourbon phục hoàng một thời gian ngắn rồi Napoléon Bonaparte từ đảo Elba quay trở lại ngôi hoàng đế. Thất bại ở trận Waterloo, Vương triều 100 ngày của Napoléon chấm dứt. Louis XVIII trở về ngày 28 tháng 4 năm 1814, nhà Bourbon lấy lại ngai vàng. Ngày 4 tháng 6 năm 1814, Louis XVIII đồng ý với Pháp điểm giới hạn bớt quyền lực của nhà vua. Văn bản này được thông qua ở cả Viện công khanhNghị viện.

Ngày 16 tháng 9 năm 1824, sau một thời gian bệnh tật kéo dài, Louis XVIII mất ở tuổi 69 tuổi mà không có con nối dõi. Charles X, khi đó 66 tuổi, trở thành người kế vị. Ngược lại với người anh trai, Charles X không biết thích nghi với những biến đổi của lịch sử. Nhà vua đăng quang ngày 21 tháng 5 năm 1825 tại nhà thờ Đức Bà Reims trong nghi thức truyền thống của hoàng tộc Capetien. Dư luận cho rằng Charles X đang cố gắng quay lại nền quân chủ cũ. Trong cuộc bầu cử năm 1827, phái tự do chiếm đa số trong quốc hội. Charles X chấp nhận chỉ định một thủ tướng nhằm trung hòa giữa hai phe bảo hoàng và tự do. Jean-Baptiste Sylvère Gay, tử tước Martignac, trở thành thủ tướng, thành lập một chính phủ nửa tự do, nửa chuyên quyền.

Các nhân vật quan trọng trong cuộc Cách mạng tháng Bảy
Charles X
1757 – 1836
Vua Pháp từ 1824
Thuộc nhánh trưởng dòng họ Bourbon
Louis-Philippe I
1773 – 1850
Công tước Orléans
Nhánh thứ dòng họ Bourbon
Jules de Polignac
1780 – 1847
Thủ tướng từ 8 tháng 8 năm 1829
Cựu đại sứ tại Anh
Adolphe Thiers
1797 – 1877
Nhà báo, luật sư
Năm 1871 trở thành Tổng thống thứ hai của Pháp
Thống chế Marmont
1774 – 1852
Trong trận Paris cuối Đệ nhất đế chế, dẫn 20 ngàn lính về Essonne
Bị coi là kẻ phản bội
Hầu tước La Fayette
1757 – 1834
Từng tham gia Cách mạng Hoa Kỳ
Thủ lĩnh phái cộng hòa

Thành lập chính phủ Polignac

Nhận thấy thất bại trong việc thỏa ước, Charles X ngầm chuẩn bị một bước ngoặt chính trị. Trong mùa hè 1829, khi Nghị viện đang nghỉ, Charles X bất ngờ thải hồi Jean-Baptiste Sylvère Gay, thay thế bằng công tước Jules de Polignac. Tin tức được đăng trên tờ Le Moniteur ngày 8 tháng 8 có hiệu ứng như một trái bom. Jules de Polignac vốn là con trai của Yolande de Polastron, bạn thân của Marie-Antoinette và điều này gợi lại những hoài niệm xấu về triều đình Versailles trước đây. Bên cạnh đó, bộ trưởng Bộ Nội vụ François Régis de La Bourdonnais là một người bảo hoàng cực đoan. Còn bộ trưởng Bộ Chiến tranh, Louis Auguste Victor de Ghaisne de Bourmont, từng theo Napoléon rồi lại phản lại vài ngày trước trận Waterloo năm 1815.

Tất cả những điều này khiến phái đối lập phản ứng mạnh mẽ. Ngày 14 tháng 8 năm 1829, Louis-François Bertin, giám đốc tờ Journal des débats viết: "Coblentz, Waterloo, 1815: ba yếu tố, ba nhân vật của nội các. Hãy nhìn theo bất cứ cách nào mà bạn muốn, khía cạnh nào cùng làm họ sợ hãi, khía cạnh nào cũng làm họ tức tối. Hãy nén, vắt cái nội các này, nó chỉ nhỏ từng giọt nhục nhã, rủi ro và sầu thảm [...]. Triều đình với các mối hiếm thù cũ, lưu vong và thành kiến, giới tăng lữ sợ hãi tự do [...]". Louis-François Bertin kết thúc bài báo nổi tiếng: "Thương thay nước Pháp! Thương thay nhà vua!".[1]

Trong chính phủ khi đó còn nhiều bộ trưởng quan trọng khác, như Jean de Courvoisier của Bộ Tư pháp, Christophe de Chabrol de Crouzol Bộ Thương mại, Guillaume Isidore de Montbel, Bộ Giáo dục, Charles Lemercier de Longpré Bộ Hàng hải, là những người nghiêng về phái tự do. Khi François Régis de La Bourdonnais từ chức ngày 18 tháng 11, Guillaume Isidore de Montbel thay thế. Còn chức bộ trưởng Bộ giáo dục được thay bằng Martial de Guernon-Ranville, bá tước Guernon-Ranville, một người tự do.

Tuy chưa có gì khẳng định, nhưng phái đối lập cho rằng Charles X và Jules de Polignac muốn tái lập nền quân chủ chuyên chế như trước Cách mạng. Trên thực tế, có hai cách giải thích đối lập về Pháp điểm năm 1814. Một mặt, Charles X muốn tuân theo pháp điểm một cách chặt chẽ: nhà vua chỉ định các bộ trưởng và chỉ thải hồi trong hai trường hợp phản bội hoặc nhận hối lộ. Mặt khác, những người tự do muốn xây dựng một chế độ giống nước Anh, cho rằng pháp điểm không thể dự kiến hết các trường hợp, bộ trưởng phải được tín nhiệm bởi đa số Nghị viện. Cuộc tranh luận này còn tiếp tục dưới nền Quân chủ tháng Bảy.

Thư thỉnh nguyện 221

Louis-François Bertin, chủ bút tờ Journal des débats. Họa phẩm của Dominique Ingres, hiện trưng bày tại Louvre

Đầu năm 1830, tình trạng nước Pháp trở nên xấu. Mùa đông 1829–1830 khắc nghiệt, nền kinh tế trì trệ, nhiều nhóm bí mật xuất hiện ở nông thôn, các đám cháy không biết nguyên nhân... Hai phe bảo hoàng cực đoan và tự do đổ trách nhiệm lẫn nhau.

Adolphe Thiers, Armand Carrel, François-Auguste MignetAuguste Sautelet lập nên tờ báo đối lập Le National với số đầu tiên ra ngày 3 tháng 1 năm 1830. Nhật báo bênh vực cho một nền quân chủ nghị viện, gợi lại Cách mạng Anh năm 1688: James II vì không hiểu được ý nguyện của nhân dân đã bị thay thế bởi con gái là Mary II và người chồng là William III. Một số tờ báo khác như Le Globe và Le Temps tiếp tục tấn công, chống lại nhà vua và chính phủ. Le Constitutionnel và Journal des débats cũng nghiêng về các tư tưởng tự do.

Ngày 2 tháng 3 năm 1830, khi Nghị viện bước vào kỳ họp mới, Charles X có một bài phát biểu thông báo cuộc viễn chinh tới Alger cùng việc ngầm đe dọa phái đối lập trong chính phủ.[2] Nghị viện sau khi cân nhắc đưa lên nhà vua một danh sách năm người cho chức vụ chủ tịch: Royer-Collard, Casimir Perier, Delalot, Agier, Sébastiani và cuối cùng Royer-Collard trở thành người được bổ nhiệm. Sau đó, các nghị sĩ bắt đầu tranh luận dự thảo một bức thư thỉnh nguyện trả lời bài diễn văn của nhà vua, nhắc lại bản chất của Pháp điểm 1814. Bức thư thực sự là một bản kiến nghị chống lại nội các chính phủ. Trong cuộc biểu quyết ngày 16 tháng 3, 221 người đồng ý và 181 chống lại việc soạn thảo này.[3]

Ngày 18 tháng 3, bức thư được gửi đến cung điện Tuileries. Charles X nói: "Giải tán [Nghị viện] là điều không thể tránh khỏi". Ngày hôm sau, một chiếu dụ được đưa ra, hoãn kỳ họp ngày 1 tháng 9 của Nghị viện, các nghị sĩ được nghỉ 6 tháng.[4] Vào thời điểm đó, nhà vua xác định đi tới cùng: "Ta muốn trèo lên ngựa hơn là ngồi sau xe kéo".[5]

Căng thẳng leo thang

Quyết định của Charles X làm tình hình trở nên sôi sục. Những tiếng đồn lan đi. Dư luận cáo buộc rằng nhà vua và các bộ trưởng thân cận chuẩn bị thay đổi hiến pháp. Các ý kiến khác khẳng định Jules de Polignac, vốn là cựu đại sứ và là bạn của Thủ tướng Anh Arthur Wellesley, đã chuẩn bị sẵn, trong trường hợp tình hình nước Pháp xấu đi sẽ nhờ đến sự can thiệp của Anh.

Tại Palais-Royal, Jean Vatout, người thận cận của Công tước Orléans Louis-Philippe, khuyên chủ nhân của mình khai thác địa vị sẵn có. Nhiều người khác, như Thiers, Tướng Gérard, Talleyrand... cũng thuyết phục rằng những người dòng Bourbon nhánh trưởng đã hết thời, nhưng Louis-Philippe vẫn chần chừ. Tháng 5, tại Paris, Louis-Philippe đón đón tiếp anh vợ là Francesco I cùng người vợ là María Isabel. Để chào mừng vị quân vương đến từ thành Napoli, ngày 31 tháng 5, một buổi tiệc xa hoa được tổ chức tại Palais-Royal và Charles X cũng tới dự. Khi nhà vua đã đi khỏi, dân chúng tràn vào khu vườn, Louis-Philippe nhiều lần ra ngoài ban công để xoa dịu đám đông chống đối Charles X và Jules de Polignac. Cuộc biểu tình trở nên dữ dội hơn. Các ghế gỗ được chất đống và đốt trong vườn, tiếng la ó bên cạnh tiếng nhạc. Bá tước Narcisse-Achille de Salvandy, người chịu trách nhiệm tổ chức buổi tiệc, nói với Louis-Philippe một câu về sau được nhắc đi nhắc lại ở Paris: "Vậy đấy, thưa ngài, một lễ hội rất Napoli, chúng ta khiêu vũ trên miệng núi lửa!".[6]

Ngày 16 tháng 5 năm 1830, thời điểm đoàn quân viễn chinh của Pháp chuẩn bị xuất phát tới Alger, Charles X giải tán Nghị viện, cho triệu tập đại cử tri đoàn các quận vào ngày 23 tháng 6 và các tỉnh vào ngày 3 tháng 7. Quyết định của nhà vua trực tiếp khiến nội các chính phủ rối loạn: Jean de Courvoisier và Christophe de Chabrol de Crouzol từ chức, Jean de Chantelauze được chỉ định làm bộ trưởng Bộ Tư pháp, Guillaume Isidore de Montbel sang Bộ Tài chính, còn bộ trưởng Bộ Nội vụ được thay thế bằng bá tước Peyronnet, một người bảo hoàng cực đoan. Nam tước Guillaume Capelle, một tỉnh trưởng, được đưa lên làm quản lý ở Bộ Lao động và có vị trí trong tổ chức chính phủ.

Ngày 13 tháng 6, trên tờ Le Moniteur, Charles X cáo buộc các nghị sĩ đã không tự đánh giá đúng mục đích của họ và kêu gọi cử tri "không để bị lạc lối vì miệng lưỡi gian xảo của kẻ địch", "đẩy lùi những ngờ vực không đáng có làm mất lòng tin của quần chúng và có thể gây rối loạn". Charles X kết thúc: "Nhà vua kêu gọi, đó là một người cha kêu gọi. Hãy thực hiện nghĩa vụ của mình, Trẫm có nghĩa vụ của Trẫm.". Nhưng hành động mạo hiểm đã khiến Charles X nhận hậu quả. Sau cuộc bầu cử, số nghị sĩ đối lập tăng từ 221 lên 270.[7]

Ngòi nổ: Chiếu dụ Saint-Cloud

Ngày 9 tháng 7, tin tức chiến thắng từ Alger về tới Paris. Thắng lợi quân sự này đem lại hào quang cho nền quân chủ và củng cố ý định của Charles X. Từ ngày 10 tháng 7, nhà vua cùng các bộ trưởng thân cận bí mật chuẩn bị cho chiếu dụ. Cảnh sát trưởng Paris và quân đội cũng không được biết nên đã không chuẩn bị gì cho việc giữ trật tự ở thủ đô.[8] Phái tự do đối lập nghi ngờ sẽ xảy ra những thay đổi bạo lực, e ngại một cuộc khởi nghĩa nhân dân. Bởi phần lớn họ, các nghị sĩ tự do đều xuất phát từ giới quý tộc hoặc tư sản. Ngày 10, khoảng 40 nghị sĩ và công khanh họp tại nhà công tước Victor de Broglie, quyết định trong trường hợp xảy ra bạo loạn sẽ từ chối bỏ phiếu cho ngân sách nhà nước.

Louis-Philippe, khi đó đang nghỉ hè ở lâu đài Neuilly cùng gia đình, vẫn chưa tỏ ra chút quan tâm nào. Ngày 21 tháng 7, hầu tước Charles-Louis Huguet de Sémonville tới thăm Louis-Philippe:

— Vương miện ư? Không bao giờ, Sémonville, nếu nó không đến với ta một cách hiển nhiên!— Sẽ là hiển nhiên, thưa ngài, nó nằm dưới đất, nước Pháp nhặt lên và bắt ngài phải đội.[9]

Ngày 25 tháng 7, lúc 11 giờ tối, chiếu dụ được giao tới người biên tập của tờ Le Moniteur để in trong đêm và phát hành vào ngày hôm sau:

  • Sắc lệnh thứ nhất: đình chỉ quyền tự do báo chí, tất cả các xuất bản định kỳ phải được sự cho phép của chính phủ.
  • Sắc lệnh thứ hai: giải tán Nghị viện mới được bầu.
  • Sắc lệnh thứ ba: thay đổi thể thức bầu cử, giảm số nghị sĩ từ 428 xuống 258...
  • Sắc lệnh thứ tư: triệu tập đại cử tri vào tháng 9.
  • Sắc lệnh thứ năm và sáu: chỉ định Hội đồng Nhà nước.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cách mạng Tháng Bảy http://books.google.com/books?id=07MFAAAAQAAJ http://books.google.com/books?id=8LrO-4wjO0wC http://books.google.com/books?id=CLU7AAAAMAAJ http://books.google.com/books?id=GoAzek1_qYYC http://books.google.com/books?id=K2PkTaVL0UoC&dq http://books.google.com/books?id=KJzTPQAACAAJ&dq=i... http://books.google.com/books?id=LXgEWlZp6-sC http://books.google.com/books?id=MKUuAAAAMAAJ http://books.google.com/books?id=WTMYAAAAMAAJ http://books.google.com/books?id=WyBSAAAACAAJ